top of page

Vũ Đình Tuấn và “Câu chuyện tháng Giêng”

Ngày 19/2 tại Hà Nội, Hanoi Studio Gallery đã khai mạc triển lãm Câu chuyện tháng Giêng, giới thiệu hàng trăm tác phẩm tranh nhỏ và tranh minh họa của họa sĩ Vũ Đình Tuấn. Lần đầu tiên làm triển lãm ở mảng này, Vũ Đình Tuấn đã mang đến sự ngạc nhiên lớn cho công chúng.


Nhiều năm qua, họa sĩ Vũ Đình Tuấn được nhiều tờ báo và tạp chí mời tham gia minh họa cho các tác phẩm văn học. Anh được biết đến là một họa sĩ hàng đầu trong mảng tranh lụa và tranh khắc gỗ, thể loại này đòi hỏi phong cách nghệ thuật và quá trình sáng tác đều phải có sự chính xác, tỉ mỉ và tính toán từng đường nét trước khi đặt bút, đặt dao khắc. Với mảng tranh minh họa, tranh nhỏ dường như Vũ Đình Tuấn được thỏa sức bay bổng, tưởng tượng, phóng khoáng.

Họa sĩ Vũ Đình Tuấn tại triển lãm "Câu chuyện tháng Giêng."

Tranh minh họa vốn được khơi nguồn từ tác phẩm văn học. Tranh minh họa là sự nắm bắt cái hồn, cái thần của văn chương, để rồi từ đó họa sĩ tiếp tục sáng tạo để câu chuyện có thể đi xa hơn, có sức tưởng tượng lớn hơn. Tranh minh họa không để kể lại văn chương, mà đưa ra được tinh thần cốt lõi của văn chương và nhìn nhận văn chương theo cách mà họa sĩ cảm nhận.


Tranh nhỏ là nơi cảm xúc của họa sĩ được ngưng lại một cách lắng đọng nhất. Đó là những câu chuyện, những góc cạnh, những ẩn khuất của đời sống tâm hồn con người hay sự vật được họa sĩ chắt chiu, trăn trở, sẻ chia. Tranh nhỏ là cách để người xem thấy được sự gần gũi, giản dị của hội họa với đời sống, mặc dù ở tranh nhỏ không thiếu vắng chiều sâu của suy tưởng cũng như tư duy nghệ thuật cao.

Tranh minh họa và tranh nhỏ của Vũ Đình Tuấn mang đầy đủ các yếu tố trên nhưng anh còn đi xa hơn bởi bút pháp và sư ma mị, tinh tế của mình. Vốn là họa sĩ vẽ lụa và điêu khắc hàng đầu, nên khi vẽ tranh minh họa hay tranh nhỏ Vũ Đình Tuấn đã mang trọn sự mềm mại, linh hoạt, tỉ mỉ, độc đáo vốn có. Nhưng Vũ Đình Tuấn còn thuyết phục người xem ở cái cách mà anh tiếp cận với câu chuyện, con người và sự vật trong tranh. Mọi thứ như ngời lên trong một vẻ đẹp khác, vẻ đẹp của bản năng, của cái tôi

trừu tượng.

Nói về triển lãm Câu chuyện tháng Giêng, họa sĩ Vũ Đình Tuấn chia sẻ: “Nhân dịp đầu xuân tôi muốn tạo ra một cái cớ để gặp mặt bạn bè, đồng nghiệp và công chúng yêu nghệ thuật. Nhưng cái cớ đó còn phải đi cùng với những suy tư, những ý tưởng trong câu chuyện của nghệ thuật. Tôi đã làm nhiều triển lãm về tranh lớn rồi, còn tranh nhỏ và tranh minh họa tôi đã vẽ rất nhiều trong thời gian qua, lưu giữ lại và thấy đó cũng là một mảng thực sự tâm huyết của mình. Đã có rất nhiều họa sĩ thành danh từ tranh nhỏ, tranh minh họa khi định hướng được phong cách nghệ thuật của mình từ đây, hoặc cũng có những họa sĩ tài danh vẫn rất yêu thích vẽ mảng này. Điều đó làm cho hội họa trở nên sinh động và tạo được những dấu ấn. Hội họa và văn chương cộng hưởng sẽ làm cho nghệ thuật thăng hoa hơn cho dù bản thân tác phẩm văn chương và tác phẩm hội họa đều có thể đứng độc lập”.

Họa sĩ Vũ Đình Tuấn tâm đắc và dẫn lời nhà văn Nguyễn Bình Phương trong một lần nói chuyện về văn chương và hội họa: “...những minh họa đó mở rộng thêm không gian cho tác phẩm văn học, thậm chí gợi đến một phiên bản khác, một thế giới khác, một hình dung cụ thể khác, nhưng cũng hết sức khoáng đạt, tự tại của hội họa”.


Là cộng tác viên thường xuyên và tên tuổi của các báo và tạp chí như Nhân dân, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ, Heritage... Họa sĩ Vũ Đình Tuấn đã khẳng định được phong cách và sự độc đáo của mình với tranh minh họa, tranh nhỏ. Anh quan niệm, tranh nhỏ và minh họa văn nghệ nhiều khi là khởi đầu của những tác phẩm lớn, nghệ sĩ lớn. Và, tranh lớn hay nhỏ cần được bắt đầu bằng tình yêu, nuôi dưỡng trong tình yêu và mang đến tình yêu.


Dưới đây là phóng sự trên chương trình Chào Ngày Mới:


Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội

Commentaires


bottom of page