top of page

Năng lượng mới, khởi đầu mới

Suốt quãng thời gian giãn cách xã hội rất dài vừa qua, các họa sĩ vẫn miệt mài lao động sáng tạo, để rồi cùng trở lại, thổi vào đời sống nghệ thuật đã có phần trầm lắng một hơi thở mới, một nguồn năng lượng mới.

"Ngày mới trở lại

Chúng tôi trở lại trong ngày thường tháng Năm với cảm giác như đang đón gặp những “ngày mới”. Những ngày mới với tràn đầy cảm hứng về vẻ đẹp của những điều giản dị xung quanh. Ngày mới để thấy thêm một chút nắng vàng hơn trên bức tường cũ và góc phố xưa. Ngày mới để nhận thấy bao điều cần nói trong những câu chuyện nghệ thuật. Ngày mới để thấy thêm sinh lực, năng lượng mới và niềm hân hoan tận hưởng từng khoảnh khắc quý báu của cuộc sống và nghệ thuật đem lại. Ấy là lời gợi mở, là lời gieo cảm hứng cho những ai chuẩn bị bước vào không gian triển lãm mang tên “Ngày mới trở lại”, trưng bày bộ tác phẩm của 8 họa sĩ: Hoàng Nghĩa Hiệp, Vũ Đình Tuấn, Mai Xuân Oanh, Phạm Hà Hải, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Quốc Trung, và Đặng Hiệp. Triển lãm khai mạc ngày 22.5, đánh dấu lần mở cửa đầu tiên của Hanoi Studio Gallery tại địa chỉ 13 Tràng Tiền và các họa sĩ sau kỳ giãn cách xã hội kéo dài vì đại dịch Covid-19.

"Tôi vẫn thấy không khí của mùa xuân, chúng tôi dường như đã không hẹn mà gặp trong một mùa xuân ở lại”. Họa sĩ Đặng Hiệp thốt lên đầy ngạc nhiên trước những tác phẩm của anh em đồng nghiệp cùng tham dự triển lãm. Anh lý giải, bởi lẽ các bức tranh đều toát lên không khí, màu sắc tươi vui, đem lại cho người xem cảm giác hưng phấn, hứng khởi của sự khởi đầu. Riêng Đặng Hiệp mang đến triển lãm hai tác phẩm vẽ về phố ("Cuối đông" và "Tháng Tư"), một “phố” rất khác trong thời gian giãn cách xã hội, một phố hiện lên trong ngã ba, tán lá bàng, trên ngôi nhà cổ với những ô cửa khép. “Những ngày ấy, không khí thực sự yên tĩnh, không còn sự tấp nập, ồn ào như bình thường. Tôi thích cảm giác đó, cảm giác thấy phố rất vắng còn lòng mình tĩnh lại. Tôi luôn muốn truyền tải trạng thái, cảm xúc của mình qua mỗi bức tranh, và với “Ngày mới trở lại”, tôi đem đến một chút bâng khuâng, một chút nhớ nhung cảm xúc giao mùa...”.

Điểm dễ nhận thấy ở hầu hết tác phẩm trong triển lãm là sự sinh sôi, tràn đầy sức sống, như bung nở cùng với “Mùa xuân”, “Hoa đào”, “Trong vườn hoa” (Liêu Nguyễn Hướng Dương), “Tĩnh vật trong nhà”, “Hoa và tường cũ” (Mai Xuân Oanh), “Mùa xuân ở chợ” (Hoàng Nghĩa Hiệp)... Mỗi họa sĩ có ý đồ riêng, song dường như đều trong cảm nhận về một hơi thở khác của đời sống, của khí trời. Như họa sĩ Vũ Đình Tuấn chia sẻ về tác phẩm “Du xuân”: “Tại sao lại du xuân? Du xuân kéo dài đến tận bây giờ? Sở dĩ năm nay rất đặc biệt như vậy, cho nên đến bây giờ là mùa hè rồi, nhưng mùa xuân còn vương lại, hay nói khác đi, bây giờ mới chính là tháng Giêng, là tháng du xuân. Sự trở lại với một dáng dấp đầy sức sống như vậy, ngoài việc gặp gỡ công chúng yêu nghệ thuật, chúng tôi muốn tiếp động lực cho sự khởi đầu”.

Đó là sự khởi đầu sau những tháng ngày “đóng băng” trong sự tĩnh lặng lạ thường mà từng chuyển động tinh tế được họa sĩ quan sát và trình diện trên từng tác phẩm. Theo lời họa sĩ Nguyễn Quốc Trung: “Chính vì cảm giác nhìn ra ngoài đường vắng vẻ, cảm giác mọi thứ tê liệt, cảm giác mọi người đều lo sợ vì nền kinh tế ảm đạm đi xuống, càng như thế, chúng tôi lại càng muốn gửi đến một nguồn năng lượng mới, thông qua hội họa”.

Triển lãm "Ngày mới trở lại" kéo dài đến hết ngày 20.6
Triển lãm "Ngày mới trở lại" kéo dài đến hết ngày 20.6

Khác biệt ở tinh thần nghệ thuật


Thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống đại dịch lại là những tháng ngày các họa sĩ làm việc hăng say. Quá trình đó không những nhằm lan tỏa nguồn năng lượng mới cho công chúng, người yêu nghệ thuật, mà còn đem đến cảm xúc tích cực cho chính các tác giả. Họa sĩ Hoàng Nghĩa Hiệp chia sẻ, giãn cách xã hội đã buộc người ta phải thiết lập lại các hoạt động của mình. Trong cùng một quãng thời gian đó, các họa sĩ cùng tĩnh tâm, xem lại những việc đã làm, những gì dang dở, những dự định nay mai. “Bởi vì trước khi có đại dịch, có quá nhiều việc cuốn người ta đi, làm cho việc vẽ bị mất tập trung. Anh em họa sĩ chúng tôi coi đây là khoảng lặng để có cơ hội thể hiện chính mình, có những kỹ thuật nâng cấp lên, có những đề tài phải tư duy lại... tất cả hội tụ làm nên sự trở lại chất lượng hơn, cẩn trọng hơn và hiệu quả hơn”.


Có thể nhìn thấy thiên nhiên mà các họa sĩ muốn đem vào tác phẩm. Đó không chỉ là vẻ đẹp ngày thường mà còn là sự tinh tế trong đôi mắt quan sát. Những tác phẩm vừa mang tính chất sưu tập, không đơn giản chỉ là bức tranh để làm cho tinh thần chúng ta tốt lên, mà còn mang nhiều ý nghĩa về mặt nghệ thuật”. Giám đốc nghệ thuật Hanoi Studio Gallery Dương Thu Hằng nhận định về những tác phẩm được tuyển chọn, và nhớ lại ý tưởng Hanoi Studio Gallery thực hiện cho triển lãm lần này: “Câu chuyện bắt đầu từ một sự trở lại, một sự khởi động tràn đầy sức sống, tươi mới. Chúng tôi chỉ nói như vậy thôi nhưng các tác giả đã tự ý thức được điều gì phải làm, điều gì muốn chia sẻ. Giãn cách xã hội đã tạo nên rất nhiều trạng thái cảm xúc của cộng đồng, trong đó có những người làm nghệ thuật. Các họa sĩ nghĩ gì, làm gì trong mùa giãn cách đó? Sự trở lại này là một câu trả lời”.


Câu trả lời ấy mang ý nghĩa làm ấm lên không gian nghệ thuật, kết nối họa sĩ với công chúng sau mùa giãn cách đang có phần trầm lắng. Đồng thời, sự trở lại này cũng cho thấy, các nghệ sĩ vẫn luôn cố gắng đem lại những điều tích cực, sinh lực mới cho cộng đồng. Theo lời họa sĩ Phạm Bình Chương, sự trở lại lần này là một tín hiệu đáng mừng, nhất là tinh thần nghệ thuật. “Khác biệt hơn so với những thứ liên quan đến đời sống vật chất, nghệ thuật là đời sống tinh thần. Bản chất của họa sĩ là làm việc độc lập, nhưng chính thời gian giãn cách đặc biệt này, so sánh với rất nhiều ngành nghệ thuật khác, có lẽ họa sĩ là thành tố làm việc nghiêm túc nhất, đem lại sự cân bằng về tinh thần cho công chúng, trong bối cảnh hoạt động ở các ngành nghệ thuật khác vẫn có sự chững lại nhất định. Tôi cũng tin rồi đây, người yêu nghệ thuật hoàn toàn có thể hy vọng được thưởng thức các tác phẩm giá trị trong nhiều triển lãm sắp tới”.


Nguồn: daibieunhandan.vn

Komentarze


bottom of page