Tự tìm cho mình một đích đến tưởng chừng như là một điều đơn giản, ai cũng có thể thực thi được. Nhưng thực ra đó là một thách thức lớn lao, cần rất nhiều nhẫn nại. Vứt bỏ mọi ảo tưởng mới đo lường được kích thước của mình, may ra thì nhìn thấy cái đích vừa vặn với vóc dáng.
Nghệ thuật vốn nghiệt ngã là vậy, nhất là trong hội hoạ, vốn dành cho những kẻ độc hành. Tôi đã thực sự nghĩ như vậy khi xem phòng tranh lụa của Vũ Đình Tuấn tại Viet Art centre 42 Yết Kiêu, Hà Nội.Người ta quen nghĩ rằng ngôn ngữ của lụa không đa sắc, không phong phú như sơn dầu hoặc các chất liệu khác. Nó chỉ có ưu thế là ru người vào một chốn bình yên êm ả.
Và điều đó, bậc trưởng lão Nguyễn Phan Chánh đã làm xong từ lâu rồi. Quả là như thế thì thật phiến diện và hời hợt. Lụa vẫn có một thế giới riêng, có một ngữ pháp mà không phải ai cũng nắm bắt được. Vũ Đình Tuấn phần nào đã chứng minh điều đó. Rõ ràng là anh đã tìm được đường đi đến đích của mình, đủ tự tin và niềm say mê. Vũ trụ tâm lý của hoạ sĩ được trình bày mạch lạc, uyển chuyển trên từng bức, cho dù bố cục tưởng như đơn điệu. Tất cả đều trên một khuôn mặt, nhưng ở mỗi bức lại là những trạng huống khác nhau, như những biến tấu trên một chủ đề.
Hình như anh hay theo đuổi những giấc mơ của mình, bởi hầu như những câu chuyện của khuôn mặt đều chưa có lời kết, kéo người xem vào một thế giới siêu thực. Giá mà Vũ Đình Tuấn biết tiết chế hơn, bớt đi những ý tưởng đôi lúc cầu kỳ thì khuynh hướng siêu thực sẽ rõ nét hơn. Nó sẽ thay thế chất đồ hoạ dễ nhận ra bởi tay nghề quá vững của anh.
Vũ Đình Tuấn không hề lạm dụng sự loang chảy mờ ảo của màu lụa, tránh hẳn cái thẩm mỹ vốn có của tranh lụa truyền thống. Anh đã đưa vào lụa nhiều tầng màu, nhiều sắc độ, nhưng vẫn giữ được sự trong trẻo mềm mại với một bút pháp thật tinh tế. Một khi màu sắc và nét hình giao hoà đến độ kỹ lưỡng thì người ta lại thèm một chút bâng quơ, vụng dại.
Hình như tác phẩm của Vũ Đình Tuấn thiếu cái này. Cái bí ẩn riêng tư của hội hoạ hối thúc người xem đắm chìm vào tìm kiếm ít khi nằm trên mặt tranh mà ở một tầng sâu khác, được hình thành đôi khi ngẫu nhiên ở cõi vô thức. Không ai lý giải một giấc mơ bằng ý thức duy lý. Tranh của Vũ Đình Tuấn đẹp một cách tỉnh táo. Tự anh đã giải mã cõi tâm linh của mình khiến tác phẩm với người thưởng ngoạn luôn có một khoảng cách.
Điều này không hẳn là một thiếu hụt của tác giả mà là một sự thừa thãi. Một bữa tiệc quá nhiều món đâu phải là bữa tiệc ngon. Nhưng nói gì thì nói, chặng đường mà Vũ Đình Tuấn đang đi chắc chắn là của riêng anh. Con đường còn dài lắm, và sẽ có một ngày anh bỏ bớt đi hành trang cồng kềnh của mình cho nhẹ bước trần gian.
Mấy ai đủ bản lĩnh đối diện với chính mình, tự mình phát hiện lại mình, bỏ qua mọi tấm gương soi, để được hay mất cũng đều là thành quả Vũ Đình Tuấn có phẩm chất đáng quý này. Nó sẽ là lương thực đủ để anh tồn tại cùng những đam mê của mình. Tôi tin như thế, tin vào những giấc mơ của anh đang bày ở Viet Art. Và có lẽ nó cũng giúp cho mọi người tin rằng cuộc đời đâu có tẻ nhạt nếu chúng ta còn có những ước mơ.
Nguồn: Lao Động
Comments