top of page

“Im lặng cho hoa nở”: Nghi thức để đến vẻ đẹp


Con công đang yêu

Hơn 1 năm kể từ triển lãm cá nhân lần tư, ngày 18.1 vừa qua, họa sĩ Vũ Đình Tuấn tiếp tục triển lãm cá nhân lần thứ năm của anh mang tên “Im lặng cho hoa nở” tại Hanoi Studio Gallery, 13 Tràng Tiền, Hà Nội. Bằng cách tạo hình hiện đại tranh trên lụa với một thông điệp mang đầy tính ẩn dụ, hơn 20 bức tranh trong triển lãm lần này, nói như họa sĩ Lê Thông, “không chỉ đơn thuần truyền cảm xúc cá nhân mà truyền cảm được cả một tinh thần mỹ thuật”.

“Im lặng cho hoa nở” là một thông điệp đẹp - không chỉ xét về sự liên tưởng từ ngữ mà còn đẹp bởi mặt tạo hình hội họa. Vũ Đình Tuấn, một trong những họa sĩ tạo diện mạo mới cho tranh lụa Việt Nam trong khoảng một thập niên gần đây, đã đem đến cho tranh lụa sự tỏa rạng tự thân bằng một quan niệm khác biệt. Ở đó những cũ và mới, những có và không, ngưng đọng và êm trôi, những tương phản... cùng lặng tiếng, nghiêng mình trước thời khắc linh thiêng “hoa nở”.Tranh của Tuấn giữ lại thời khắc linh thiêng “hoa nở” khi con người đứng trước tự nhiên và cảm thấy trong lòng niềm xúc động dâng lên, hạnh phúc, thầm kín và mãnh liệt. Một cành hoa gạo tháng ba, một cành dạ yến thảo mùa hè, những bông súng mùa thu và hoa trường sinh đã nở đều mang trong mình vẻ đẹp của sự hiến dâng. Những đôi mắt ngừng chớp, những bông lan tỏi vừa nở, những con công ngừng múa, cào cào, châu chấu ngừng bay, những bướm đậu, chuồn chuồn, những ong làm mật, những sâu đo, ốc sên, những hoa sen, hoa chuông, hoa quỳnh... trong khoảnh khắc ấy, hình như đều không mọc từ mặt đất. Chúng mọc từ không khí, từ mây, tỏa ra hương thơm trời đất vĩnh hằng.Vũ Đình Tuấn có lẽ đã bắt đầu từ một người quan sát, nhưng bởi nhạy cảm người nghệ sĩ, đã rất nhanh hòa nhịp vào không gian nở hoa ấy. Và vì yêu, biết ơn tạo hóa đã cho mình chiêm ngưỡng những thời khắc kỳ diệu chỉ có thể cảm nhận trong tĩnh lặng, anh đã tái hiện lại khoảnh khắc ấy bằng hình và màu. Đứng trước mỗi bức tranh, người xem cảm giác không gian trong tranh cũng thuộc về mình, hoặc ít nhất cũng gần gũi với mình, thức dậy tràn đầy vẻ đẹp của sự lan tỏa, thẳm sâu.


Im lặng cho hoa nở

Có người cho rằng tranh của Vũ Đình Tuấn ở triển lãm lần này đã đạt đến độ gần như hoàn hảo, khi anh làm chủ được chất liệu mà vẫn tạo được xúc cảm đối với người xem. Theo họa sĩ Lê Thông, “họa sĩ về căn bản cần hai yêu cầu là vẽ giỏi và vẽ đẹp. Có người vẽ giỏi nhưng không đẹp. Có người vẽ đẹp nhưng không giỏi. Tuấn được cả hai”. Anh giỏi về tạo hình, tạo không gian, uyển chuyển giữa mảng loang và ke, giữa buông và bắt. Nói như họa sĩ Lê Anh Vân, xem tranh của Vũ Đình Tuấn “người ta thấy vừa tinh tế, khéo léo, vừa chắc chắn, vững vàng nhưng cũng rất tình cảm, lãng mạn”.

Việc làm chủ chất liệu lụa, khống chế khoảng loang mờ của lụa không phải là điều dễ dàng họa sĩ nào cũng làm được. Vũ Đình Tuấn có những cách riêng để “vây bọc” những mảng không gian trong tranh, giới hạn sự loang bằng ke, làm tương phản giữa mờ và rõ, giữa vẽ lụa và để nền lụa không. Anh không cho rằng tranh của mình hoàn hảo, anh “không định hướng tới sự hoàn hảo” bởi quan niệm “cái đẹp không phải là cái hoàn hảo” và “mình có làm đến tận cùng cũng không bao giờ có chuyện hoàn hảo cả”.

Trong lịch sử mỹ thuật Việt, gắn với tranh lụa hiện đại, người ta không thể không nhắc đến một họa sĩ tiêu biểu cho nền hội họa mỹ thuật Đông Dương là Nguyễn Phan Chánh. Những bức như “Chơi ô ăn quan”, “Người bán gạo”, “Người hát rong”... đã kết hợp được “phương pháp tạo hình phương Tây và họa pháp tranh lụa phương Đông” mang đến cho người yêu nghệ thuật niềm cảm hứng lớn về tranh lụa. Tuy nhiên tranh lụa Việt không thể dừng mãi ở một vài họa sĩ mà tài năng đã định danh, ở không gian ẩn hiện, loang mờ, hư - thực vốn kiệm màu sắc và ít tươi tắn. Tranh lụa cũng cần có đời sống riêng của nó.

Vũ Đình Tuấn đã đúng khi muốn tự mình khám phá, theo đuổi tranh lụa theo cách của anh. Đứng trước tấm lụa, cảm giác về “sự trong trẻo” có cả rực sáng và trầm lắng, bao giờ anh cũng nghĩ “liệu con đường mình và mọi người vẫn đi có thể cứ đi mãi như thế được không, hay phải đi bằng một cách khác”. Theo thời gian, sau từng triển lãm, người ta lại gặp một Vũ Đình Tuấn trong lụa, mới hơn, nhuần nhuyễn hơn, sâu sắc hơn.

Như anh chia sẻ, “trong đời sống, có một điều rất hay là người ta thành công bao nhiêu thì cảm giác “bất lực” bấy nhiêu. Về tỉ lệ, sẽ là 50 - 50”. Để có những bức vẽ trông có cảm giác thế này, là một quá trình lao động, sáng tạo không tránh khỏi những thất bại. Nhưng “buộc lúc đấy nó phải như thế để mình nghĩ phương pháp giải quyết nó”.

Một người khi biết “im lặng cho hoa nở”, hẳn anh ta sẽ biết quý trọng những giá trị của cuộc sống. Nói như tác giả: “Khi chúng ta im lặng, chúng ta sẽ mở ra các giác quan khác”. Hình ảnh hoa nở từ thực tế thiên nhiên tươi đẹp, cũng có thể hiểu là những khoảnh khắc “nở hoa trong cuộc đời”, là sự dâng hiến lặng lẽ, tận tụy cho công việc ta làm.

Tạo hóa thường tạo ra những thách đố bất ngờ nhưng cũng đem đến những vẻ đẹp thật giản dị. Con người chỉ là một trong những sinh vật được ban cho cơ may là có thể nhận biết vẻ đẹp ấy nhưng thường bỏ qua chúng. Khi chúng ta biết thực hành nghi thức lặng im chiêm ngưỡng chúng, là chúng ta đã ngợi ca vẻ đẹp hơn tất cả ngôn từ.

Nguồn: Lao Động

Comments


bottom of page