GD&TĐ - Triển lãm 'Xin hãy nhẹ tay - Thầm thì - Tôi ở đây', giới thiệu 25 tác phẩm mới của họa sĩ Nguyễn Thế Hùng.
Triển lãm “Xin hãy nhẹ tay - Thầm thì - Tôi ở đây” trong khuôn khổ dự án “Đường tới Ánh Dương”, giới thiệu 25 tác phẩm mới của họa sĩ Nguyễn Thế Hùng với những chiêm nghiệm, thăng hoa của hơn một thập kỷ sáng tạo.
Triển lãm “Xin hãy nhẹ tay - Thầm thì - Tôi ở đây” trong khuôn khổ dự án “Đường tới Ánh Dương”, giới thiệu 25 tác phẩm mới của họa sĩ Nguyễn Thế Hùng với những chiêm nghiệm, thăng hoa của hơn một thập kỷ sáng tạo.
Chia sẻ về triển lãm, họa sĩ Nguyễn Thế Hùng nói rằng: “Tôi không biết mình có còn giữ được tinh thần và đam mê như thời trẻ, nhưng khát vọng sáng tạo và tình yêu nghề thì vẫn vẹn nguyện, nồng nàn như vốn có. Nó vẫn thôi thúc tôi tìm tòi và làm việc, khám phá những đề tài, chất liệu mình yêu thích, phát triển kỹ thuật và trở thành cuộc sống của tôi”.
Thăng hoa cùng chất liệu truyền thống
“Xin hãy nhẹ tay - Thầm thì - Tôi ở đây” là một triển lãm độc đáo như lời nhắn gửi, khẳng định, cũng là thái độ mà Nguyễn Thế Hùng dành cho những nhân vật nữ trẻ trong bộ tác phẩm mới nhất của mình. Triển lãm diễn ra từ ngày 12/5 đến 12/7 tại không gian nghệ thuật Ánh Dương Art Space (Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên, khu Trung Đoàn 918, phường Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội).
“Trong triển lãm cá nhân này, tôi muốn đem đến những bức tranh vẽ trên chất liệu sơn mài trên toan trong 2 năm qua với đề tài tôi khai thác trong 10 năm trở lại đây. Có cái mới, có cái cũ, có cái mới bên trong cái cũ, có cái cũ bên trong cái mới. Có những điều từ lâu tôi vẫn luôn trăn trở, có những xúc cảm tôi mới đặt bút hôm qua” - Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng.
Nguyễn Thế Hùng không còn là tên tuổi xa lạ đối với giới mộ điệu nghệ thuật. Anh sinh năm 1981 tại Tuyên Quang. Thuộc thế hệ đầu 8X, so với các họa sĩ cùng trang lứa, Nguyễn Thế Hùng ưu trội hơn về khả năng tập trung, sự miệt mài làm việc.
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2009, đến nay anh đã có hàng chục triển lãm cá nhân và tham gia nhiều triển lãm nhóm - một nỗ lực rất đáng ghi nhận. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là luôn dùng các chất liệu, vật liệu có tính truyền thống như giấy dó, sơn son thếp vàng, sơn mài, mực nho… để sáng tạo nên những tác phẩm mang hơi thở đương đại.
Tranh của Nguyễn Thế Hùng đã xuất hiện tại nhiều hội chợ nghệ thuật, nằm trong các bộ sưu tập tại Việt Nam, Mỹ, Australia, Thụy Điển, Anh, New Zealand, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan… Năm 2019, tranh của anh đến New York (Mỹ) góp mặt vào một triển lãm cá nhân, độc lập do chính phòng tranh Salomon giám tuyển và trưng bày.
Ở triển lãm Another Land (Vùng đất khác) - không chỉ lần đầu Nguyễn Thế Hùng tự khẳng định bản thân ở một trung tâm nghệ thuật lớn như New York mà còn là cơ hội để trưng bày 24 tác phẩm được sáng tác bằng chất liệu sơn mài trên toan.
Sơn mài trên toan là một kỹ thuật lạ, đến nỗi Salomon Arts Gallery nhận định: “Trong các tác phẩm của “Vùng đất khác”, Hùng sử dụng các chất liệu truyền thống độc đáo của Việt Nam, kết hợp các chất liệu với nhau theo những cách thức mới mẻ cũng như cách làm rất hiện đại.
Những tác phẩm của Nguyễn Thế Hùng có nhiều lớp lang, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Thông qua sự kết hợp khéo léo về kỹ thuật, chất liệu và hình khối, mỗi bức tranh trở thành một miền tưởng tượng. Ở đó, những xung đột, các giá trị trường tồn, tư duy truyền thống và góc nhìn hiện đại đều được khai thác một cách nhuần nhuyễn.
Xin hãy nhẹ tay cho tất cả
Trong không gian nhiều chiều, các nhân vật nữ thấp thoáng ẩn hiện trong tranh Nguyễn Thế Hùng.
Nói về triển lãm “Xin hãy nhẹ tay - Thầm thì - Tôi ở đây”, họa sĩ Nguyễn Thế Hùng bộc bạch rằng, thời còn sinh viên thường lơ đãng nhìn ngắm những bóng người lướt qua đường, để tâm hơn với những bóng hồng, đặc biệt là những bóng hồng tươi trẻ xinh đẹp.
“Ở giai đoạn ấy của tuổi trẻ, chúng tôi mộng mơ và khao khát, loay hoay và nóng nảy. Chúng tôi ai cũng muốn tìm cho mình một định dạng, một phong cách, một chỗ đứng trong giới hội họa vừa hẹp lại vừa rộng. Nhiều khi cũng đau khổ vật vã, nhưng cũng không thiếu những rung động, hừng hực và lộng lẫy, cháy bỏng”, họa sĩ Nguyễn Thế Hùng cho biết.
Từ những quan sát ấy, “Xin hãy nhẹ tay - Thầm thì - Tôi ở đây” hiện ra bóng dáng những người đàn bà chủ động và đầy tự tin với sắc đẹp tuổi trẻ, luôn thấy mình đâu đó trung tâm trong thế giới của công nghệ, thời trang. Họ là các tín đồ hàng hiệu, sang chảnh trong đời sống tiêu dùng gấp gáp của các trào lưu.
Chạy suốt bộ tác phẩm trong triển lãm này, thấp thoáng những gác mái, nét chạm cổ, rồng, phượng, hoa văn trầm tích của các triều đại nghìn năm. Nhiều lát cắt giả tưởng chia cắt tạo nên các lớp không gian, thời gian cho tuyến nhân vật nữ.
Chân dung các nhân vật như được cắt ra từ đâu đó của một trang báo mà độc giả lướt mắt qua, hoặc đọng lại trong tâm trí. Thủ pháp cắt dán vốn được Nguyễn Thế Hùng sử dụng từ rất sớm trong sáng tác, lần này đã mang đến cho một ý niệm đặc biệt về các mảnh ghép, các trích đoạn đời sống đưa thẳng vào tác phẩm.
Nhân vật của anh có thể là bất cứ ai vô tình gặp, những người xung quanh ta. Tất cả ngồi, đứng, nghiêng vai, lộng lẫy dàn hàng, khoe chân trong nhiều tư thế. Họ lướt qua chúng ta, như đang diễn trong một khung hình thời trang. Những nhân vật nữ, những bóng vệt, ngược sáng, dựng bằng những nét đen mảnh đơn giản, mờ ảo, đứt đoạn, không chú trọng vào chi tiết…
Một cảm giác chập chờn bao trùm trên các bóng dáng đang đâu đó trong không gian siêu thực của những lát cắt đan chồng. Những đám mây ngũ sắc của một thế giới tâm linh cổ xưa, nét vàng son của thành quách, những người đàn bà trẻ vẫn đang ở đâu đó - như sợi dây kết nối thế giới tinh thần của quá khứ và những mảnh linh hồn vật chất của thời hiện tại.
Các nhân vật nữ của Nguyễn Thế Hùng đang checkin? Tôi ở đây - lời thầm thì của họ. Họa sĩ dường như có chút ái ngại và nhận thấy sự chênh vênh của đời sống thực tại, trong không gian nhiều chiều mà các nhân vật nữ đang thấp thoáng ẩn hiện.
Nỗi canh cánh, chút mơ hồ của họa sĩ về cách chúng ta đang cố gắng lý giải các ý niệm về nữ quyền, về tính truyền thống, về lịch sử và tính kế thừa giá trị nghìn năm từ quá khứ của tiên tổ. Xin hãy nhẹ tay cho tất cả, những cái chạm dịu dàng vào quá khứ, những cái nhìn đầy thấu hiểu cho con người vật chất của chúng ta.
Nguồn: Giáo dục Thời đại
Comments