Sau hai triển lãm cá nhân liên tiếp về tranh lụa (“Im lặng cho hoa nở”- 2018 và “Mùa ở lại”- 2019), tuần qua họa sĩ Vũ Đình Tuấn đã ra mắt triển lãm cá nhân lần thứ 7 các tác phẩm minh họa và tranh nhỏ của anh. Một triển lãm nhỏ nhưng “có võ” và xem được lâu, đọng lại nhiều dư vị cảm xúc ở người xem.
Hơn 130 tác phẩm kích thước nhỏ (nhỏ nhất 10x15cm, lớn nhất 30x30cm) vẽ trên giấy, trong đó khoảng 60% là tranh minh họa được Vũ Đình Tuấn lần đầu bày chung. Triển lãm không phải là toàn bộ gia tài tranh nhỏ của họa sĩ nhưng người xem có thể hình dung một chặng đường minh họa, sáng tác tác phẩm dạng này của anh. Trải qua 7 năm, từ 2013 đến 2020, là cộng tác viên thường xuyên vẽ minh họa cho các báo và tạp chí như Nhân Dân, Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Heritage, “Câu chuyện tháng Giêng” không mang ý nghĩa tổng kết mà như Vũ Đình Tuấn tự nhận: Nó gợi mở sáng tạo cho triển lãm tiếp theo.
Nhắc đến Vũ Đình Tuấn, lâu nay người yêu nghệ thuật thường nghĩ ngay đến một “thương hiệu” tranh lụa, tranh khắc gỗ độc đáo, có bản sắc riêng. Đó là điều mà không phải bất cứ họa sĩ nào cũng làm được, nhất là mảng tranh lụa - vốn khắt khe và kén chọn người vẽ. Nhưng “được” gắn với một dấu ấn, cũng có nghĩa là “bị” đóng khung ở một điểm nhìn, và theo thời gian, người xem khó còn cảm giác như lúc ban đầu thưởng lãm.
Nghệ thuật, bản chất là sáng tạo và luôn luôn đòi hỏi sự tươi mới. Nhu cầu sáng tạo, làm mới nghệ thuật là nhu cầu thường trực, trước tiên đối với mọi nghệ sĩ trên con đường dài họ theo đuổi. Song làm và làm được đến đâu lại là câu chuyện của mỗi cá nhân.
“Câu chuyện tháng Giêng”, có thể nói, đã làm được việc là tạo ra một hình ảnh Vũ Đình Tuấn mới hơn, khác hơn trong hội họa của anh. Khác với những bức tranh lụa khổ lớn anh từng vẽ - chắt lọc về chi tiết, vô cùng cẩn thận, tỉ mỉ; thì những bức tranh giấy khổ nhỏ các yếu tố này có phần giảm đi, thêm vào đó tranh nhiều chi tiết hơn, vẽ tự do, bay bổng hơn.
Nói như chị Dương Thu Hằng - chủ nhân Hanoi Studio Gallery, tranh lụa của Vũ Đình Tuấn là một sự thách đố, thể hiện cái ngông của người họa sĩ; còn tranh nhỏ lại phóng khoáng bởi vì nó không có một chủ đề cố định cho toàn bộ, cũng không nhằm mục đích cho một sự tập hợp nào. Sự cẩn trọng, chi tiết, cầu toàn trong tranh lụa và chất phiêu, sự thoải mái, tươi tắn ở tranh nhỏ dường như là những mặt đối nghịch thú vị trong người nghệ sĩ.
Mặc dù là tranh minh họa cho truyện ngắn - tức là một phần ý tưởng được nảy sinh từ tình tiết văn học nhưng khi đặt riêng ra khỏi trang báo thì những minh họa của Vũ Đình Tuấn vẫn giữ được tính độc lập. Theo họa sĩ, minh họa ở đây không có tính chất kể hoặc hiểu theo nghĩa minh họa truyện tranh, mà giống như một sự khởi nguồn, họa sĩ dựa vào ý cốt lõi của tác phẩm văn học để kết nối cảm xúc, thể hiện ngôn ngữ tạo hình hội họa theo cách riêng.
Vũ Đình Tuấn không câu nệ một tác phẩm chỉ vẽ một chất liệu (như tranh lụa chỉ dùng màu nước) mà kết hợp (giấy dó, giấy trúc chỉ, giấy nâu; màu nước, màu gouache...). Tính đồ họa khúc chiết thể hiện ở “các mảng, nét dứt khoát” đặt trên nền “diễn màu phóng khoáng đã tạo ra họa cảm khơi gợi bản năng của họa sĩ”. Như Vũ Đình Tuấn tự nhận “lối biểu hình, biểu cảm này không phải là xu hướng quen thuộc mọi người vẫn nhìn thấy” và tự nhiên “trong một thế giới nhỏ nhưng cảm thấy mình rộng lớn hơn”.
Theo họa sĩ Đào Hải Phong, những tác phẩm dạng này là minh họa cho chính câu chuyện của người họa sĩ, không cứ là minh họa cho một nhà văn nào, vì người họa sĩ cũng là một nhà văn trong chính anh ta. Và đề tài không phải điều quan trọng, cái cần là sự khúc chiết, chặt chẽ, tinh tế thì Vũ Đình Tuấn đã đạt được.
Vũ Đình Tuấn nhuần nhuyễn đến độ khiến người xem khó phân biệt được đâu là chất thơ lấy trong tác phẩm anh minh họa, đâu là chất thơ trong chính người nghệ sĩ. Dường như bức tranh nào cũng có thể dùng minh họa cho tác phẩm văn học nào đó, và minh họa nào cũng nói được câu chuyện tạo hình, câu chuyện hội họa của anh. Tính đồng hiện trong văn học và sự đồng hiện các hình ảnh hội họa trong mỗi bức tranh gần như không có khoảng cách.
3. “Câu chuyện tháng giêng” của Vũ Đình Tuấn gợi ngưởi xem nhớ đến họa sĩ Bùi Xuân Phái. Một thời khó khăn thiếu thốn ông từng vẽ những tranh rất nhỏ tận dụng trên từng vỏ bao diêm, vỏ bao thuốc lá. Ta có thể hiểu lý do thuộc về khách quan, bởi đó là tình hình xã hội chung bấy giờ.
Vũ Đình Tuấn chọn những khổ giấy rất nhỏ để vẽ không phải vì sự thiếu thốn giấy vẽ, đây là chủ ý của anh. Thực tế tranh minh họa họa sĩ thường vẽ nhỏ, nhưng cũng không hoàn toàn nhất thiết nhỏ như những bức anh vẽ. Và gần một nửa số tranh sáng tác bày ở triển lãm này cũng không bắt buộc phải vẽ nhỏ tương tự.
Cuộc đời lao động nghệ thuật của nhiều họa sĩ Việt tài danh và những bức tranh nhỏ trong “Câu chuyện tháng Giêng” cho chúng hiểu một điều: Giá trị của một bức tranh không phụ thuộc vào kích thước của nó, mà được đo bằng nghệ thuật của người tạo ra chúng. Điều này luôn đúng ở bất cứ thời gian nào, bất cứ hoàn cảnh nào.
Triển lãm cũng gợi ra câu chuyện nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn về thú chơi tranh nhỏ ở Việt Nam - vốn không được mấy để tâm. Và những bức tranh nhỏ hiện diện lúc “ra giêng, mọi người thư thả, đi chơi” ít nhiều làm dậy lên không khí mùa xuân an lành. Đó là một điều kỳ diệu nghệ thuật có thể đem lại cho đời sống.
Nguồn: Lao Động
Comments